Hà Nội: Phát hiện cơ sở sản xuất tất chân giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng với quy mô lớn
Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc, hơn 21.000 sản phẩm tất chân giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Yonex, và Uniqlo tại một cơ sở sản xuất ở huyện Quốc Oai.
Chiều ngày 3/1/2025, Đội Quản lý thị trường số 19 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an xã Liệp Nghĩa (Công an huyện Quốc Oai) kiểm tra một cơ sở sản xuất hàng dệt may trên địa bàn.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Cơ sở này, do ông Nguyễn Văn Thiện làm chủ, bị phát hiện có hành vi sản xuất và kinh doanh tất chân giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm Nike, Adidas, Yonex, và Uniqlo. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận số lượng lớn sản phẩm giả mạo lên tới hơn 21.000 đơn vị.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng tiến hành kiểm đếm thực tế các nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, và phương tiện phục vụ cho hoạt động sản xuất của cơ sở này. Đây được xem là vụ việc vi phạm quy mô lớn, với số lượng hàng hóa sai phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các thương hiệu chính hãng và người tiêu dùng.
Theo cơ quan chức năng, việc làm giả và tiêu thụ hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng.
Hiện toàn bộ số hàng hóa và máy móc liên quan đã được lực lượng chức năng tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển đến Công an huyện Quốc Oai để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và máy móc liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như các thương hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.
Quảng Bình: Bắt giữ 4 đối tượng tàng trữ thuốc lá lậu và pháo nổ trái phép
Ngày 20/12, Công an huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, vừa bắt 4 đối tượng tàng trữ hàng cấm, thu giữ 29 hộp pháo hoa nổ và 439 cây thuốc lá không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, vào khoảng 15h45′ ngày 17/12, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Lệ Thủy phối hợp Công an xã Trường Thủy tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, phát hiện xe ô tô mang BKS 73C-149.75 do Nguyễn Trọng Hiền (SN 1984, trú tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) điều khiển có biểu hiện nghi vấn, nên ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức phát hiện trên xe cất giấu 10 hộp pháo hoa nổ.
Đối tượng Nguyễn Trọng Hiền bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Khám xét nhà đối tượng Nguyễn Trọng Hiền, cơ quan công an phát hiện, thu giữ thêm 09 hộp pháo hoa nổ loại 36 ống và 298 cây thuốc lá không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ.
Mở rộng vụ án, Công an huyện Lệ Thủy xác định đối tượng Nguyễn Thị Hạnh (SN 1977, trú tại Khu Phố 1, TT. Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) là người bán 19 hộp pháo cho Nguyễn Trọng Hiền.
Đối tượng Nguyễn Thị Hạnh cùng tang vật liên quan.
Qua khám xét nơi ở của đối tượng Hạnh, cơ quan chức năng thu giữ thêm 02 hộp pháo nổ loại 49 ống và 141 cây thuốc lá không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Lệ Thủy tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đồng Nai: Bắt giữ 2 đối tượng mua bán hơn 22kg pháo lậu
Ngày 5-12, Công an huyện Xuân Lộc đang điều tra vụ bắt 2 đối tượng mua bán pháo lậu trên địa bàn xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc).
Trước đó, sáng 4-12, Công an huyện Xuân Lộc phát hiện H.K.D. (15 tuổi, ngụ xã Xuân Tâm) chở 5 hộp pháo nổ trên xe máy ở khu vực xã Xuân Tâm.
Các đối tượng bị bắt giữ cùng tang vật.
Làm việc với công an, H.K.D. khai đã mua số pháo trên từ đối tượng D.V.H. (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận). Tiếp tục mở rộng điều tra, lực lượng công an phát hiện trên xe ô tô của D.V.H. có 5 hộp pháo hoa nổ. Ngoài ra, đối tượng này cũng đã tự nguyện giao nộp 5 hộp pháo hoa nổ mà đối tượng này đang cất giấu tại nhà riêng. Cơ quan công an đã thu giữ hơn 22kg pháo hoa nổ từ các đối tượng này.
D.V.H tại cơ quan công an.
Qua điều tra, các đối tượng khai nhận đã thực hiện việc mua bán hàng cấm để kiếm lời. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.
Tiền Giang: Kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh, phát hiện nhiều lon sữa giả
Ngày 18/11/2024, Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện một cơ sở kinh doanh tại Tiền Giang công khai kinh doanh thực phẩm bổ sung là sữa giả.
Cụ thể, khi kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm H (ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang bày bán, kinh doanh thực phẩm bổ sung các loại, là sữa.
Nghi ngờ về chất lượng của các loại thực phẩm bổ sung, lực lượng chức năng tỉnh này đã tiến hành lấy 2 mẫu để thử nghiệm chất lượng.
Kết quả phân tích cho thấy, có một mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Cụ thể, các chỉ tiêu đạm chỉ đạt 41%, Vitamin B12 chỉ đạt 63%, Vitamin D3 chỉ đạt gần 0,1% so với chỉ tiêu tự công bố.
Lô hàng tồn gồm 10 lon thực phẩm bổ sung, loại 900g/lon có ngày sản xuất: 09/5/2024, hạn sử dụng: 09/5/2026. Sản phẩm này do 01 Công ty ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất.
Lực lượng chức năng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh H với số tiền hơn 6 triệu đồng.
Bình Thuận: Kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honđa và Yamaha
Đội QLTT số 4 thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường Bình Thuận về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo Đơn yêu cầu xử lý các cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha của Công ty TNHH Luật TNHH Phạm và Liên danh
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường Bình Thuận về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo Đơn yêu cầu xử lý các cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha của Công ty TNHH Luật TNHH Phạm và Liên danh; qua thu thập, thẩm tra, xác minh làm rõ thông tin có dấu hiệu vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành kiểm tra 02 Hộ kinh doanh phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy trên dịa bàn huyện Đức Linh và Tánh Linh.
Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 đang kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại cơ sở kinh doanh
Kết quả kiểm tra phát hiện 02 Hộ kinh doanh trên vi phạm: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; tang vật vi phạm là 298 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy các loại giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha gồm: 160 bộ bulong treo máy dùng cho xe máy mang nhãn hiệu Honda; 15 bộ bi văng dùng cho xe máy mang nhãn hiệu Honda; 04 cái cần đạp phanh sau xe máy mang nhãn hiệu Honda; 19 cái dây công tơ mét mang nhãn hiệu Yamaha; 90 viên pin dùng cho xe máy mang nhãn hiệu Yamaha.
Biện pháp tiêu hủy: Đốt cháy tang vật
Căn cứ hành vi vi phạm nêu trên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 Hộ kinh doanh trên về hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xử phạt mỗi Hộ kinh doanh vi phạm 6.000.000 đồng. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là 298 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu nêu trên. Các Hộ kinh doanh vi phạm đã thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy các sản phẩm phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu với sự giám sát chặt chẽ của Đại diện Đội Quản lý thị trường số 4.
Quảng Ninh: Bắt giữ vụ vận chuyển 600 bánh trung thu không rõ nguồn gốc
Ngày 17/9, theo thông tin từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh, đơn vị vừa bắt giữ vụ vận chuyển bánh trung thu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam.
Đối tượng bị bắt cùng tang vật.
Cụ thể, vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 16-9, tại khu vực Mốc 1320/1(2), thuộc thôn Nà Pò, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô đang thực hiện nhiệm vụ thì phát hiện, bắt giữ đối tượng tên là Trần Văn Trình, sinh năm 1999, trú tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đang vận chuyển 600 chiếc bánh Trung thu bằng xe máy.
Qua khám xét, số bánh trên gồm nhiều loại, được ghi nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Xác minh ban đầu, đối tượng khai nhận đã mua số bánh trên từ Trung Quốc mang về Việt Nam tiêu thụ.
Hiện đơn vị đang hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ninh Bình: Phát hiện và thu giữ gần 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em phát hiện và thu giữ gần 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu.
Thực hiện Văn bản chỉ đạo số 452/QLTTNB-NVTH ngày 15/8/2024 của Cục QLTT tỉnh Ninh Bình về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2024, Đội QLTT số 1 đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngày 29/8/2024 Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em C.N có địa chỉ tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 660 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại (máy bay đồ chơi, đồ chơi trẻ em xếp hình, đồ chơi hình thú có trị giá 28,8 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ theo quy định.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt Hộ kinh doanh T.N.C về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu với số tiền 8 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số tang vật vi phạm nói trên.
Bắt quả tang 2 cửa hàng A Mẫn Sài Gòn kinh doanh hàng giả, tạm giữ gần 1.800 sản phẩm
Lực lượng chức năng TP.HCM vừa phát hiện và tạm giữ hơn 1.700 sản phẩm hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại hai cửa hàng A Mẫn Sài Gòn. Các sản phẩm này được làm giả tinh vi, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Qua kiểm tra hai cơ sở kinh doanh của A Mẫn Sài Gòn, cơ quan chức năng đã phát hiện một số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, giả mạo các thương hiệu đình đám như Apple, Chanel, Louis Vuitton,... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính lên đến gần 100 triệu đồng.
Lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trên. Điều này cho thấy, A Mẫn Sài Gòn đã có hành vi cố tình kinh doanh hàng giả để thu lợi bất chính.
Hiện tại, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Lai Châu: Xử phạt hộ kinh doanh tam thất không rõ nguồn gốc
Cục Quản lý thị trường Lai Châu vừa xử phạt một hộ kinh doanh tại thành phố Lai Châu do bán tam thất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 5/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng của bà Nguyễn Hoài Thanh tại tổ 26, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu.
Facebook "Huyền Châu" giới thiệu bán tam thất không rõ nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Thanh đang kinh doanh 15kg tam thất khô không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng hóa này đều không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua làm việc, bà Thanh không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc của số tam thất trên.
Trước những vi phạm này, Đội Quản lý thị trường số 2 đã quyết định xử phạt bà Thanh 4 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Thái Bình: Hộ kinh doanh Huyền Nguyễn bị xử phạt 10 triệu đồng vì bán hàng giả mạo nhãn hiệu HERMÈS
Ngày 23/7/2024, Hộ kinh doanh Huyền Nguyễn (địa chỉ tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã bị Cục Quản lý thị trường Thái Bình xử phạt 10 triệu đồng vì có hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HERMÈS.
Trước đó, vào ngày 22/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh túi xách Huyền Nguyễn thuộc Hộ kinh doanh shop Huyền Nguyễn do ông N.Q.H làm đại diện.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang trưng bày để bán 4 đôi dép và 6 chiếc túi xách có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “HERMÈS”. Trên toàn bộ hàng hóa (dép, túi xách) và bao bì của hàng hóa (vỏ hộp) đều có gắn dấu hiệu trùng với nhãn hiệu “HERMÈS” đang được bảo hộ tại Việt Nam của HERMES INTERNATIONAL.
Hình ảnh về hàng hóa vi phạm.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và có văn bản gửi Công ty Luật TNHH Thắng Phạm & Cộng sự - đại diện hợp pháp theo ủy quyền của HERMES INTERNATIONAL tại Việt Nam để xác minh.
Hình ảnh về hàng hóa vi phạm.
Căn cứ kết quả xác minh và làm việc với đại diện Hộ kinh doanh Huyền Nguyễn, Đội Quản lý thị trường số 1 đã xác định và kết luận hộ kinh doanh vi phạm hành vi "Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu".
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Huyền Nguyễn số tiền 10 triệu đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hóa vi phạm.